Tiếng Anh
yeu thich 0

Phát triển cơ khí nội địa : Tạo lực kéo ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày: 21-11-2019 09:43:57 | Tin tức | Lượt xem: 1209

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời 3 nhóm vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến phát triển cơ khí chế tạo trong nước.

Mặc dù cơ khí chế tạo là một trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc phát triển ngành cơ khí vẫn còn chậm được ban hành và chưa tạo ra sự đồng bộ và thuận lợi trong triển khai trên thực tế.

Các doanh nghiệp cơ khí nội địa chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực này.

Thống kê sơ bộ cho biết, ngành cơ khí mới đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông...).

Các doanh nghiệp cơ khí có thiết bị gia công điều khiển số (PLC, CNC, …) chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 15% và những thiết bị này chưa phát huy hết tác dụng do tính đồng bộ trong dây chuyền sản xuất chưa cao, vì vậy phần lớn các doanh nghiệp cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bộ Công Thương đặt kế hoạch, sau năm 2025, ngành cơ khí sẽ hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp. 

Cụ thể, Bộ hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực thuộc lĩnh vực chế tạo như: ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.

Mục tiêu hướng đến của ngành cơ khí đến năm 2025 sẽ phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Phối hợp với các bộ, ngành “xây bệ phóng” kéo ngành cơ khí

Phát triển cơ khí nội địa : Tạo lực kéo ngành công nghiệp hỗ trợ
Mục tiêu hướng đến của ngành cơ khí đến năm 2025 sẽ phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Công thương đang tập trung xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cơ khí để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin thị trường, tạo điều kiện kết nối cung - cầu ngành cơ khí.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng thúc đẩy kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

Bộ cũng đề xuất hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển ngành cụ thể như: ưu tiên việc sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước, đặc biệt với các dự án vốn nhà nước, vốn đầu tư công; khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm, linh kiện do doanh nghiệp trong nước sản xuất và quy định các chế tài nghiêm khắc với các chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách ưu tiên về tín dụng cho phát triển cơ khí, với cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm vay vốn với mức lãi suất tín dụng 3%/năm, thời hạn vay 12 năm, 02 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ vào năm thứ năm hoặc được bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước nếu các doanh nghiệp vay vốn thương mại...

Hợp tác với các cơ quan liên quan, các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy kết nối, tạo điều kiện các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Tài chính xem xét đề nghị bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất (miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế; Hoàn thiện chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp đối với sản phẩm cơ khí và linh kiện, phụ tùng cho các sản phẩm cơ khí để bảo vệ sản xuất trong nước.

Quý Hưng